Thằng nhóc Lavie lấy hai bàn tay nhỏ như hai quả chuối cau úp vào mặt rồi vùi mặt mình xuống ghế, chổng mông lên như hình ảnh cu Shin trong câu chuyện nổi tiếng của manga Nhật. Đó là phản ứng của anh chàng sau khi ông già giới thiệu cô giáo dạy nhạc. Ngạc nhiên. Ông già cố gắng nhịn cười, nói thầm: thằng nhát gái!
Ý tưởng học nhạc của ông già bắt nguồn từ độ Sài Gòn rộn rã tiếng hát vang dưới mái nhà mặt tiền hẻm, khi mấy câu chuyện cổ tích (tự kể) ngày xưa được bắt đầu dời lịch lại cho mấy khúc ca. Nghêu ngao. Khúc hát của anh lính trẻ nhớ người yêu hay anh công nhân về nhà ngắm người vợ trẻ … của một Trần Tiến được ông già hay ca giờ nhường lại cho giọng hát trẻ của thằng nhóc Lavie. Ngọng nghịu. Như tiếng hát của cô bé là con của đứa em đồng nghiệp đã từng nghe ở một chặng đường đi, như tiếng chú vịt con của đoạn phim hoạt hình thiếu nhi bất hủ Tom & Jerry; giờ đây dưới mái nhà này, ông già được nghe lại một khúc hát Happy Birthday. Ấy vậy là hàng xóm cứ nghe mừng sinh nhật thường xuyên như thể nhà có đến hơn trăm con; tưởng đâu người đẻ như rạ…dưới mái nhà nắng đậu trên vai sau xuyên lá.
Ông già đi tìm người dạy.
Biết đâu, thằng nhóc mang tên cuộc sống – mang trên mình mấy thế võ công cứ hết lôi ông anh ra xong lại đến ông già đấm đá, có thể phần nào dịu lại như thể cân bằng giữa võ công và âm nhạc. Tưởng tượng. Ông già và thằng nhóc biết đâu một bận lại tấu một khúc Tếu Ngạo Giang Hồ được gã Kim Dung viết thành sách đó cho một nhạc phổ: cầm, tiêu.
Biết đâu, thằng nhóc mang tên cuộc sống – mang trên mình một thế cân bằng trong cuộc sống. Gặp gỡ. Như ông già đã từng những người bạn bước qua đời mình với những tiếng nhạc du dương, hát với nhau ở một phố núi bảng lãng sương chiều của một tuổi đời đi hoang, hay ở một Cung Tơ Chiều hát lên mấy khúc ca Trịnh buồn chưa thuộc hết lời.
Rồi biết đâu, ở một sớm Sài Gòn nào đó, ghế đá công viên, ông già và thằng nhóc: hát những bài ca chưa thuộc hết lời.
Chỉ sợ lúc đó, thằng nhóc chẳng còn thiết tha mấy nhịp Trịnh buồn hay bolero sầu muộn; thằng nhóc của lúc đó chẳng biết có thiết tha với những giai điệu của tuổi trẻ hôm nay về những bản rap chen bài nói về cuộc sống: “nhiều tiền anh biết bọn mình được ấm no, mà tiền nhiều như thế tình cảm mình hóa tro” – của những gì hôm qua ngồi với nếu, thì để rồi miên man “nhớ xưa còn nói nếu lúc mình giàu”
Mà chuyện đấy của tương lai, ông già cứ hay nghĩ. Thiệt tình.
Thôi thì cứ nằm nghe những tiếng cô dạy trò, mấy nốt nhạc “đồ, rê”, thấy mê với tiếng nhạc lời ca (chắc vậy mà thành ra ông già đa cảm)…Cô dạy cũng bắt đầu nhận định sau buổi đầu lướt phím, thằng nhóc cũng có cảm nhạc ở trong người.
Ngố. Ông già cười. Ngộ. Mấy thằng đại ca cũng là mấy thằng nhát gái. Tiếng hát, lời ca vang lên dưới mái nhà mặt tiền hẻm. Ông già sắp xếp lại mấy khuôn nhạc của đời mình, tự tình về những khoảnh khắc mênh mông về hai chữ: biết đâu.
Biết đâu ở một khoảng trời nào đấy, ông già ngồi với mấy đứa nhóc của mình để hát nghêu ngao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét