Chiến Phan

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020

Nhật ký của cha – Lavie – Nơi nuôi dưỡng ước mơ

Chị hỏi: Năm mạng chui ra chui vào, có đủ chỗ để ngủ không em? 
Chỗ chui ra, chui vào là căn nhà mặt tiền “hẻm”, có khoảng sân nhỏ dùng chung của tám nhà vừa đủ để nắng rọi, mấy nhánh cây xanh của mỗi nhà trồng cây trong chậu vươn người ra đón nắng, đổ bóng xuống mặt đất như một bức tranh phong cảnh ngẫu hứng hai chiều. Tươi đẹp. 
Chổ chui ra, chui vào là căn nhà không thể miêu tả trọn vẹn hình vuông (tứ giác), ngủ giác, lục giác …hình như là bát giác …ông già chỉ biết là nhiều cạnh. Ngộ nghĩnh. Ông già thích nơi chui ra, chui vào này, bởi đây chính là nơi nuôi dưỡng giấc mơ. Bởi ông già nghĩ thường người ta: 
Chưa có mới ước mơ! Trong ấu thơ của ông gia, nơi chui ra chui vào là chiếc ghe tròng trành trên sóng nước môi khi sóng vỗ vào lườn ghe từ mấy con sóng của vài chiếc ghe máy vừa mới chạy ngang, gắn kết với bờ là một tấm ván con – gọi là chiếc cầu. Run rủi. Sống chui ra, chui vào là cùng ông già là hai người phụ nữ không biết bơi và ba ông anh. Vì ở dưới nước, sợ hụt chân chết đuối bất ngờ như kiểu “chú bán dầu qua cầu mà té” nên người phụ nữ giờ được gọi là người tình tóc bạc bắt đầu mơ – mơ được lên bờ. Rồi lên bờ thật! Đó là chắt chiu mười năm có lẻ, những chỉ vàng lận, giấu khắp nơi vì không ít lần trộm ghé thăm trên chiếc ghe mái lá được lợp lại sau mỗi lần nước mưa rơi lộp độp không còn mà xuyên qua tàu lá vào trong sau vài năm lá khô vì nắng hạ. Nhớ. Một mùa Xuân năm ấy, cả nhà chỉ còn duy nhất một bộ đồ lành. 
Chưa được mới ước mơ! Trong thanh xuân của ông già, nơi chui ra chui vào là căn phòng trọ, gắn kết với mặt đường là mấy bậc cầu thang đi theo ánh mắt của chủ nhà. Nhẹ khẽ. Thằng nhóc đầu tiên đến với cuộc sống của ông già là lúc bắt đầu thực hiện một giấc mơ con với sự hỗ trợ của người anh. Căn nhà mặt tiền “hẻm” đến như là duyên nợ, trở thành nơi chốn chui vào chui ra. Căn nhà mặt tiền “hẻm” đến đêm lại có những tiếng xe qua hòa vào tiếng chó sủa, âm thanh đồng nội từ mấy tiếng ếch, nhái hòa giọng với đêm mưa hay tiếng dế của một đêm hè ở một thời đại công nghệ được phát ra; cộng hưởng cũng mấy câu chuyện kể của ngày xưa của em, của ông già, của ai đó kể lại – gọi là cổ tích. 
Trong suốt khoảnh khắc của đời mình ấp ôm đến cùng tận, từ dưới nước đến lên bờ, từ căn phòng đến căn nhà, mọi thứ vẫn còn đang tiếp diễn những giấc mơ. Ấp ôm. Ông già nhìn những đứa nhỏ nằm lắng nghe mấy câu chuyện kể đấy, tự cho rằng mấy cuộc đời con này cũng cần phải được nuôi dưỡng những giấc mơ để đời. 

Chị hỏi: Năm mạng chui ra chui vào, có đủ chỗ để ngủ không em? 
Ông già trả lời: Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm! 

Sài Gòn, ngày 22 tháng 05 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...