Đọc các quyển sách của Jim Colin từ “Build to last” cho đến “Good to Great”, sự thu hút về việc làm sao một công ty được xây dựng để trường tồn và người lãnh đạo làm sao để công ty trở thành vĩ đại, sau khảo sát & phỏng vấn hàng trăm nhà lãnh đạo của các công ty hàng đầu với mốc thời gian xác định, đã thôi thúc nó tìm minh chứng thuyết phục cho việc đúc kết đó khi trong danh sách khảo sát và phỏng vấn đó hoàn thiếu vắng gã khổng lồ Toyota.
Sống dưới mái nhà của gã khổng lồ Toyota, nó nghiễm ra đâu đó những điều gì đó khá tương đồng.
Tuy nhiên, việc kiểm chứng làm sao để gã Toyota xây dựng để trường tồn qua từng ấy thập kỷ, riêng ở Việt Nam đã là 8 thập kỷ, là một điều bất khả thi với một cá nhân và thời gian giới hạn.
Nó lựa chọn việc kiểm chứng về đặc điểm của những nhà lãnh đạo ở nơi này. Duy nhất. Giả thuyết những nhà lãnh đạo ở Toyota được nằm vào danh sách nhà lãnh đạo cấp độ 5 theo tiêu chí của Jim Colin & đội ngũ của ông khi thực hiện bảng cấp độ nhà lãnh đạo.
Cấp 1: Cá nhân có năng lực - Highly Capable Individual
Cấp 2: Thành viên trong nhóm có đóng góp – Contributing Team Member
Cấp 3: Giám đốc có năng lực – Competent Manager
Cấp 4: Nhà lãnh đạo hiệu quả - Effective Leader
Cấp 5: Nhà điều hành cấp độ 5 – Leader 5 Executive
Nhà lãnh đạo cấp độ 5 được định nghĩa: Xây dựng sự vĩ đại bền vững thông qua sự kết hợp đầy nghịch lý giữa bản tính khiêm nhường và quyết tâm trong công việc.
Nó quan tâm đến yếu tố “xây dựng sự vĩ đại bền vững” – sự lựa chọn người kế thừa – yếu tố quan trọng nhất theo nó, để tiếp tục giữ gìn di sản vĩ đại của nhà lãnh đạo cấp độ 5. Nó tiếp tục bằng cách cũ: số liệu (thời gian tồn tại & phát triển) và phỏng vấn nhà lãnh đạo (có cơ hội được gặp gỡ và trao đổi thẳng thắn, thoải mái không vụ lợi)
Đâu đó có hai câu chuyện để nghiền ngẫm về sự lựa chọn của hai nhà lãnh đạo ở gã khổng lồ Toyota.
Nó đặt câu hỏi cho anh: vì sao anh chọn…? Thật lòng trong câu hỏi có mấy phần sân si vì với những thông tin, dữ liệu ít ỏi có được, các tiêu chí tự chọn, nó chưa thấy thuyết phục dù hiểu rõ rằng đấy không phải việc của mình, chưa kể điều đấy là chủ quan trong suy nghĩ.
Anh trả lời dứt khoát: Nó hoàn toàn hội đủ các yếu tố để lãnh đạo! Tiếng nhạc, tiếng cười nói sau một năm chiến đấu quên mình, những con số thay đổi chạy ngang màn hình như mọi năm.
Nó tiếp tục truy vấn: Em chưa hiểu, thế yếu tố nào nổi trội nhất?
Anh trả lời từ tốn như phong cách vốn có: Nó ốm đi nhiều! Nó giật mình nhìn về đối tượng trong câu chuyện của hai anh em, thật sự là ốm đi rất nhiều so với thời thằng nhóc chập chững bước đến vùng đất phù sa để bắt đầu những tháng ngày ròng rã điểm vài nét phụ họa cho bức tranh tổng thể anh vẽ với gam màu ấm áp từ sự khắng khít của công ty, nhân viên và nhà lãnh đạo.
Tuy nhiên, câu trả lời chưa đi vào trọng tâm cho đến khi anh tiếp:
Đó là làm gương! Một người lãnh đạo ở đây phải có mặt từ lúc 6h30 sáng
và ra về ở cùng mốc điểm thời gian ấy chỉ khác là lúc nắng tàn biến mất. Ngẫm nhớ. Nó từng ngồi ở showroom với anh ở mốc thời điểm nắng tàn biến mất ấy ở mấy lần về.
Làm gương, chăm chỉ là đủ để trở thành kẻ kế thừa nơi anh? Đơn giản vậy? Nó không nghĩ vậy! Đâu đó nó nhìn ra sự tham vọng! Một tham vọng không xấu!
Câu chuyện thứ hai – Ở một buổi cơm trưa trên gác mái giữa phố thị Sài thành.
Nó đặt câu hỏi tương tự. Anh trả lời: sự trung thành! Đơn giản vậy? Nó không nghĩ vậy. Nó nhìn người phụ nữ gói trong dáng người toát lên sự vất vả, ôm những mối lo từ việc nhỏ đến việc to. Từ câu chuyện của người phụ nữ bôn ba, bước ra đi đòi nợ, vì mấy lỗi lầm từ những đứa nhóc mới vào đã từng vấp phải sự phản đối của nó trong cách làm ở mấy lần thăm hỏi.
Nó nghĩ việc đấy không làm những đứa nhóc lớn khôn vì cần phải chịu trách nhiệm cho những gì mình làm, để rồi một ngày ngồi lại, thấy những đứa nhóc lớn theo cách dắt dìu, bắt lửa từ người phụ nữ bôn ba nợ đòi.
Nó quan sát người phụ nữ như phiên bản kế thừa trong mấy câu nói bắt nhịp đều với anh từ công việc đến đời thường. Mấy cái triết lý hay quan niệm người nghe khó lọt tai dù có ngắn hay dài ngày sống ở dưới mái nhà Toyota, chưa nói đến thẩm thấu để rồi trở thành câu nói đầu môi. Thường xuyên.
Đâu đó nó nhìn ra một sự tham vọng! Một tham vọng không xấu!
Trở lại tiếp với định nghĩa của lãnh đạo cấp độ 5: Họ là những người tham vọng, dĩ nhiên, nhưng tham vọng trước hết là vì công ty, chứ không phải bản thân họ. Đâu đó có một sự tương đồng.
Rồi một lúc nhìn ra ô cửa, quan sát những kẻ làm cùng, người kế thừa thấy đâu đấy ở một trời thành công có nhiều áng mây bồng bềnh tạo thành một bức tranh đẹp chứ không phải chỉ duy nhất từ một ánh mặt trời chói chang.
Để rồi trong giây phút ấy, người kế thừa lại tiếp tục chọn lựa người kế thừa tiếp theo!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét