Sài Gòn bắt nhịp Đông, dòng người bắt đầu vội vã như có một cuộc hẹn hò bí mật vào mỗi dịp cuối năm, nên phải tranh thủ cho kịp một khung giờ.
Sài Gòn Center hòa vào nhịp điệu, đón dòng người tìm đến nơi này rộn rã, khắp nơi trang trí những quầy hàng Giáng Sinh, sắc màu đỏ, xanh lên ngôi ở nơi này. Tiếng nhạc chào đón một mùa Chúa Giáng Sinh vang vọng ở khắp nơi.
Gã trung niên có hẹn. Ở tầng ba, hai gã thuộc hai thế hệ điểm lại những gì của một năm trôi qua.
Một ông già trung niên làm việc với con số, kiếm tiền để tồn tại và nuôi lấy con chữ thích, yêu. Một anh chàng thanh niên làm việc với hình ảnh trong từng khung hình động, vỡ mộng về cuộc sống đang đi tìm cho mình mục đích cụ thể hơn, rõ ràng hơn như thể dòng sông biết là luôn phải chảy, vẫn muốn biết ngược dòng thì nguồn ở đâu hoặc rẽ nhánh chốn nào.
Em đã tìm được con đường cho mình? Gã trung niên nhấm nháp một ly trà; ướp vị của lục địa đen Châu Phi. Gã trung niên hỏi han sau gần một năm sắp tàn mới gặp lại nhau.
Em sẽ làm nghệ thuật! Thằng nhóc với lớp kính cận dày, gương mặt bừng sáng như thể đang tìm được nàng thơ của mình, giọng nói trầm vang như thể ngổn ngang đã xong hết, giờ trở về về nguyên bản xưa. Một điều chất chứa từ lâu rồi chưa thể nói với ai. Một trong những gương mặt của thế hệ gen Z.
Biết nhau từ một lời thiệu. Khi gã trung niên đang người ghi lại những khoảnh khắc, anh bạn giảng viên thanh nhạc giới thiệu thằng nhóc.
Thành viên của dự án phim Bố Già. Khi doanh số bộ phim được tung hô trên các phương tiện truyền thông là lúc chú nhóc cười nhẹ trong lúc tự giới thiệu mình một cách khiêm tốn là thành viên đóng góp về mặt hình ảnh với việc kể chuyện từ những khuôn hình.
Thành công luôn có sự đóng góp của nhiều người. Làm phim cũng vậy, Miệt mài đi trong những tháng ngày đeo đuổi những khung hình, có những cái tên và gương mặt bị rớt lại sau lưng.
Tiền thì chẳng thấy đâu!? Thêm nữa, chú nhóc lại vấp phải sự lừa gạt mất trắng chiếc máy quay từ người bạn mình. Thế là đầu tư chặng hẹn hòa vốn. Chuyện đã hơn năm.
Thằng nhóc thì bặt tâm. Gã trung niên thì mãi miết với công việc của mình. Giờ gặp lại,
Biết rõ điều mình muốn là gì. Gã trung niên nhìn thằng nhóc ngồi trước mặt mình, nở một nụ cười kéo Xuân về sớm trước Đông, bởi theo dòng cảm xúc, một gã trung niên cứ loay hoay trong việc tìm lối đi hôm nay như “bắt trẻ đồng xanh”, giờ có đứa trẻ không lặp lại con đường hoang mang đó.
Chẳng là trào lưu, chưa hẳn là xu thuế. Thằng nhóc bỏ học đại học, lao vào cuộc sống làm phim để thỏa mãn trí tò mò của bản thân, mong muốn tìm kiếm kiến thức và kinh nghiệm để rút ngắn quãng đường học hỏi.
Thằng nhóc không phải là đứa đầu tiên. Gã trung niên đã gặp nhiều gương mặt của thế hệ Z này, bỏ học và lao vào cuộc sống, nói trong tia lửa ánh lên niềm đam mê trong con ngươi khi trình bày về những ý tưởng làm kinh doanh của mình trước gã. Gã đã từng hỏi lòng liệu điều đó đúng hay sai? Liệu có phải Steve Job, Bill Gates, Mark Zuckerberg … trở thành những tấm gương xấu khi thôi thúc đám trẻ bỏ học để vào đời với mong mỏi thành công? Liệu có phải việc thổi bùng ngọn lửa startup trong đầu trẻ quá sớm đã đốt cháy luôn cả giai đoạn tìm kiếm học vấn trên sách vở học đường? Quá nhiều câu hỏi nhảy lung tung trong đầu khi chuyện trò cùng Z.
Đôi khi chẳng cần nghĩ quá nhiều. Biết mình đang làm gì là được.
Hỏi: Em có gì mới để cho anh xem? Sau gần một năm trời, gã trung niên tiếp chút lửa để thằng nhóc đi tiếp với đam mê phim ảnh, gửi chút hy vọng về việc xây đắp niềm tin sau một lần bị lừa gạt rằng đó không phải là mãi mãi. Vì chẳng có gì là mãi mãi. Và với nghệ thuật cần phải để cho đầu óc đó bay cao…thậm chí là xa rời với thực tế, đời thực. Mông lung.
Cười: Em vừa làm xong một phim ngắn. Thằng nhóc loay hoay tìm một đường link để xem rõ một trong những thước phim vừa hoàn tất sau một thời gian dài mất tích.
Deja vu. Nhận định của gã trung niên khi xem những hình ảnh đầu. Hình ảnh đầy mộng mị của người bố, góc máy đặt từ trần nhà như thể khán giả đang quan sát nhân vật ở trong phim. Ông bố nhìn lại vào khán giả như muốn để sự cô đơn, đau khổ của bản thân mình như một con quái vật muốn thoát hẳn ra ngoài, lần lượt câu chuyện được kể tiếp với cùng một góc nhìn đó.
Cách kể chuyện đầy ma mị. Nhạc cổ điển được chọn làm âm thanh chủ đạo, màu tối được vận dụng tối đa, ánh sáng chỉ bắt lấy đúng nhân vật trong một căn nhà, không gia chỉ bừng sáng vào khung hình cuối phim là lúc nhân vật đã …ra đi. Một không gian gợi nhớ đến bộ phim “US” của đạo diễn da màu nổi tiếng Jordan Peele năm 2019.
Ý tưởng kịch bản đến từ Covid-19. Trớ trêu. Mất mát lại thôi thúc sáng tạo, một thông điệp tích cực đưa ra là gìn giữ yêu thương, sự mất mát trở thành chất liệu chính cho kịch bản.
Bất chợt, gã trung niên như chạm lại cảm xúc chưa từng phôi phai, về một người đã ra đi. Dặn lòng rằng, hãy để điều ấy qua đi, đón nhận điều sắp tới nhưng thỉnh thoảng lòng lại gợn sóng ở một khoảnh khắc nào đấy chạm lại ký ức xa xưa.
Covid-19 đã thay đổi nhiều người. Mỗi người tìm kiếm một cách lưu lại ký ức về ngày tháng khủng hoảng và mất mác đó. Gã trung niên dồn hết sức lực để ghi lại để hoàn thành quyển sách từng viết dở dang. Hôm nay và lúc này, một thằng nhóc ghi lại bằng những khung hình cho kịch bản được viết ra từ sự mất mác.
Nghệ thuật cần phải sống. Ai cũng cần phải ăn. Gã trung niên nhắc như một cái tát nhẹ vào gương mặt của thằng nhóc muốn trở thành nghệ sĩ trước mặt mình, dù không nhận mình là nghệ sĩ nhưng việc tìm đến nghệ thuật thì chẳng có khác gì ngoài một danh xưng đó.
Em biết, em sẽ cân bằng. Em vẫn sẽ tham gia làm phim thương mại để nuôi sống cho con đường làm phim nghệ thuật. Thằng nhóc một lần nữa cho gã trung niên thấy sự trưởng thành trong cách nghĩ, rằng việc lựa chọn đó đã được suy nghĩ nghiêm túc trước khi ra quyết định. Đó là một hành trình tìm đến thiền tu của tuổi trẻ.
Anh nghĩ em phải làm rõ hơn nghệ thuật của em là gì!? Gã trung niên che giấu sự vui sướng của bản thân khi thấy một suy nghĩ độc lập và vững vàng ở hiện tại, dẫu thế vẫn bồi thêm thử thách cho cuộc gặp gỡ lần sau. Tự trào. Ai rồi sẽ sống sao!?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét