Nó đứng ngắm nhìn cánh cổng của những bức tượng
thần Hy Lạp một lần nữa của trường đại học Kyung Hee, lắng nghe những tiếng mưa
rơi lộp bộp như muốn xe tan mãnh vãi dù như muốn xuyên qua, ghé vào tai nó, hỏi:
đang nghĩ gì vậy?
Nó nghĩ về hai người phụ nữ - cùng một vị trí,
khác nhau tuổi đời, giống nhau về suy nghĩ. Lắng lo. Nó nhận cuộc điện thoại
& tin nhắn liên tục của cả hai trong suốt quãng thời gian đến đây; với họ,
Hàn Quốc là một đất nước xa xôi chỉ nghe đến rồi thoáng qua, ít khi nào đọng lại
trong tâm trí quá nhiều và đứa con luôn là bé nhỏ, ngay cả khi ôm chặt vào
lòng.
Ký ức trở về đêm tiễn đưa, không có những giọt
nước mắt rơi giống như nó đã từng chứng kiến khi bỏ quê nhà lên Sài thành tìm
cho ra con chữ để có tiền (chỉ có chị nó ngồi thút thít ở một sạp hàng đông người,
mặc kệ toa hàng tính đúng sai). Nó không nghĩ rằng những người mẹ kiên cường đến
thế - chỉ suy nghĩ là cách khóc của họ khác nhau. Đêm đó, nó thấy bóng dáng của
hai con người gọi là sinh thành đợi ngoài sân bay tiễn đưa thưa người nhìn về một
khoảng gì đó xa xăm.
Nó tưởng tượng ra mấy thiên thần ở hai cột đang
thoát ra sự tù túng của gạch đá, để bay xuống & nhắn nhủ vài lời: một chặng
đường mới sẽ bắt đầu từ nơi này. Đừng lo, rồi mọi thứ sẽ ổn!
Ký ức thanh xuân về lại; ở một thời như thế, nó
đã từng dẹp bỏ giấc mơ bước ra chân trời mới, để rồi hạn chế nhiều nhất có thể sau
này mỗi khi chạm mặt tượng sư tử biển phun nước – hình ảnh ám ảnh nó về đại học
NUS; ở một thời như vậy, người tình tóc bạc hỏi nó trong lặng thinh khi nghe
tin anh ở phường thăm hỏi: khi nào thì nó đi. Lúc đó, nó chỉ thấy rằng, đi qua
thời con gái, thanh xuân nào có còn trên vai gày chẳng hay, chỉ thấy tóc hóa
mây bay theo gió ngàn phương.
Vài con gió lạc, tạt vài giọt mưa sau nổ lực cổ
gắng đung đưa ở đây gài nhảy qua vai nó như muốn hét to: đang nghĩ gì vậy?
Nó trả lời: nghĩ chuyện tối qua. Cháu hỏi việc
làm cho mẹ. Nó từ chối. Nó như muốn nói rằng đấy là trách nhiệm của con, sự
khác biệt về ý thức hệ không đủ để lý giải cho việc ta được quyền gạt đi mấy
câu chuyện diễn giải bằng từ “hy sinh”. Tuổi trẻ cần một ai đó nhắc nhở về điều
ấy. Để không phải viết mấy lời sến sủa vô nghĩa của tiểu thuyết ngôn tình, mà
hiểu rộng ra trong đó còn có những lời khuyên về cuộc sống: Sự hối tiếc mãi in
dấu nơi đáy con tim mình (Tân Di Ổ - Anh có thích nước Mỹ không)
Hãy chăm sóc mẹ - sự đồng cảm với Shin Kyung
Sook (tác giả Hàn duy nhất nó đọc đến giờ) chưa bao giờ lại bổng cháy như lúc
này.
Hãy chăm sóc mẹ - để không phải một ngày những
đứa con lặn lội đi tìm người phụ nữ bị mất tích vì bệnh mất trí nhớ của người
già, niếm trãi sự nối tiếc và hối hận cùng cực ở mỗi chặng đường xưa tìm lại (một
tác phẩm với lối kể truyện giản dị và ngôn từ mộc mạc, thu hút nó đọc liền một
mạch trong ngày).
Hãy chăm sóc mẹ - thông điệp được ghi rất rõ ở
tựa đề, không cần phải phức tạp lên, không cần những gì cao cả; dù ta luôn biết
rằng họ sẵn sàng tha thứ với tất cả những gì họ có, vì vậy việc cần làm là đừng
làm họ tổn thương dù chỉ một lần. Việc cần làm là đừng làm họ tổn thương dù chỉ
một lần vì cuộc đời này họ đã đau thương nhiều rồi.
(P/s: Cảm xúc ghi lại ở một sớm cơn mưa ngang
qua suwon, báo hiệu một mùa Jang Ma lại đến, nó ngồi ghi chép bên ly café Starbuck
trong khi vẫn nhớ về vị ngọt đắng của quê nhà)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét